Một xã có nhiều học sinh và phụ nữ bị bán vào 'động quỷ'Chính quyền xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác với những kẻ lạ mặt vào bản làng tuyển lao động đi làm việc. Theo chính quyền thì thực chất đây là chiêu bài mà bọn buôn người sử dụng để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài.
Theo đó, từ đầu năm 2011 tại xã Đôn Phục đã có 14 phụ nữ, trẻ em bị kẻ xấu đem đi lừa bán ra nước ngoài. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2012 có đến 8 học sinh bỏ học đi Trung Quốc, đây là điều đáng báo động ở xã vùng cao của tỉnh Nghệ An.
Thủ đoạn của bọn buôn người là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số, chúng đến bảo là tuyển lao động đi nước ngoài làm việc nhưng thực chất là bán sang Trung Quốc làm "nô lệ tình dục". Bà con khi được chúng đưa cho một số tiền thì im lặng không báo với chính quyền địa phương.
Trước đó, công an huyện Tương Dương (Nghệ An) đã bắt giữ năm đối tượng đi vào các làng, bản lừa tuyển lao động nhưng thực chất là bán người ra nước ngoài. Công an đã giải cứu được ba phụ nữ, trẻ em đang trên đường bị đưa bán sang Trung Quốc.
Mắc bệnh 'lạ' vẫn tìm cách trốn viện về nhàSáng ngày 26/4, Đoàn công tác của Bộ y tế do ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, làm trưởng đoàn tiếp tục về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm nguyên nhân căn bệnh “Hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân” (người dân hay gọi là bệnh lạ).
Đây là Đoàn công tác thứ 2 của Bộ Y tế về xã Ba Điền để tìm nguyên nhân bệnh “lạ” trong vòng chưa đầy 2 tuần qua.
Với 4 trường hợp mắc bệnh ở thôn Hy Long mà chính quyền Ba Điền báo cáo vào ngày 25/4, tổng số mắc bệnh này trên địa bàn huyện Ba Tơ đã lên 176 ca (tính từ tháng 4/2011).
19 trường hợp đã tử vong, gồm: 8 trường hợp ở bệnh viện và 11 trường hợp tại nhà. Cũng như trước đó, cùng với tìm hiểu, hỏi han tình hình, khảo sát môi trường; đoàn công tác của Bộ y tế đã tiếp tục lấy mẫu đất, nước, tóc… của người bệnh để xét nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục y tế dự phòng-Bộ Y Tế, cho biết: Đến thời điểm này vẫn chưa xác định nguyên nhân gây bệnh. Không thể khẳng định virut Ricketsia gây sốt, mò, bọ chét là nguyên nhân gây bệnh.
Ông Phạm Văn Hiền (SN 1957), ở đội 4, thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, buồn bã: Hơn một năm nay, gia đình có đến 4 người, gồm vợ, con gái, con rể và cháu ngoại, lần lượt đều bị bệnh “lạ’.
Trong đó người cháu là Phạm Thị Xâm (5 tuổi), mới vừa mất. Còn con gái là Phạm Thị Ân (26 tuổi), thì sau nhiều tháng lần lượt điều trị tại BVĐK tỉnh, BV Phong-Da liễu trung ương Quy Hòa, rồi lại chuyển về nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ vẫn không khỏi bệnh. Vì vậy vừa qua chị Ân đã trốn viện về nhà
"Nằm viện cho bác sĩ điều trị mãi mà bệnh không khỏi, lại nhớ nhà nữa nên về nhà nằm cho rồi", chị Ân nói.
Sau nhiều tháng trị bệnh ở khắp nơi vẫn không khỏi, cho nên ông Phạm Văn Nhọc, ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, cũng được gia đình xin đưa về nhà nằm. “Ông ấy yếu lắm rồi. Cả ngày mà chỉ ăn được miếng cháo, miếng cơm thôi. Cả người ốm giơ xương, lại bị căn bệnh kinh hoàng đó dày vò khiến tay chân nổi mẩn, lở loét cả. Không biết ông ấy chịu đựng được đến bao giờ nữa”- bà Phạm Thị Sao, vợ ông Nhọc, khẽ lấy tay quệt giọt nước mắt.
Theo lời kể của nhiều người dân Ba Điền thì không phải đến năm rồi, mà vào khoảng tháng 3/2008, xã này đã có 2 trường hợp; rồi đến khoảng tháng 5/2010, có thêm 1 trường hợp nữa tử vong.
Cả 3 trường hợp trên là học sinh và trước khi chết đều có những biểu hiện như: Viêm da, nổi mẩn, rụng tóc, chán ăn, sốt cao… giống với biểu hiện của Hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, hiện nay.
Do tập tục sinh hoạt của người dân địa phương, cho nên họ không đem tới cơ sở y tế địa phương để khám và điều trị, mà mời thầy lập đàn, cúng bái.
Ông Phạm Văn Xuân- Cán bộ Trạm y tế xã Ba Điền, xác nhận: "3 trường hợp tử vong vào năm 2008 và 2010, mà người dân đã kể đều có dấu hiệu giống với các biểu hiện bệnh của hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân.
Tuy nhiên, lúc đó các hộ gia đình có bệnh nhân mắc bệnh không đem đến cơ sở y tế để khám nên chúng tôi không lưu hồ sơ bệnh án".
Như vậy rất có thể trước khi ca bệnh đầu tiên được ngành y tế ghi nhận vào ngày 19/4/2011, thì “Hội chứng viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân” đã xuất hiện tại xã Ba Điền cách đây đã nhiều năm.